Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, đến nay nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường đã mạnh mẽ vươn lên, dám nghĩ, dám làm góp phần thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Chi hội phụ nữ bản Nà Phát có 70 hội viên, 100% hội viên là người dân tộc Thái. Những năm trước, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong dân bản. Nhiều gia đình sinh con một bề (con gái) vẫn còn nặng nề tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường. Nhiều người chưa ý thức được rằng sinh đẻ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và làm cho kinh tế gia đình chậm phát triển khiến cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng.
Hội phụ nữ xã Bình Lư tuyên truyền về bất bình đẳng giới
Trước thực trạng đó, chi hội phụ nữ bản Nà Phát đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đồng thời tuyên truyền đến các gia đình hội viên lợi ích của việc sinh ít, quy mô gia đình ít con, chăm sóc sức khoẻ sinh sản... Nhiều biện pháp tuyên truyền được triển khai: lồng ghép vào các buổi họp bản, sinh hoạt chi hội và tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình.
Chị Lò Thị Ánh – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Nà Phát, xã Bình Lư nói: Hàng tháng chúng tôi đều xây kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng bản, từng hộ gia đình về bình đăng giới, trong đó có hệ lụy của việc sinh nhiều, sinh đông con, từ đó thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn. Nhờ đó, năm 2024 bản không có trường hợp nào sinh con thứ ba trở lên
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đã tự nguyện thực hiện mô hình "gia đình hai con" no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Gia đình chị Đèo Thị May – bản Nà Phát có hai con gái, năm nay chị cả của gia đình chị đã học lớp 5, cô em học lớp 3. Nhưng anh chị đã tự nguyện ký cam kết với bản không sinh thêm con. Dừng lại ở 2 con, anh chị dành thời gian tập trung phát kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái ăn học.
Các hội viên phụ nữ tại các chi hội biểu quyết xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới
Chị Đèo Thị May, bản Nà Phát, xã Bình Lư chia sẻ: Gia đình tôi sinh 2 con gái đã lớn, nhưng 2 vợ chồng chúng tôi cũng thống nhất cũng không sinh thêm con nữa, bởi chúng tôi quan niệm con nào cũng là con, miễn là chúng chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ là chúng tôi rất vui
Trong những năm vừa qua, trên địa bàn xã Bình Lư vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới, như: Tư tưởng trọng nam khinh nữ, một bộ phận phụ nữ không được học nghề, không tham gia công tác xã hội; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra … Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại...
Trước thực trạng trên, Hội LHPN xã đã tích cực tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương đến cán bộ, hội viên và người dân thông qua những cuộc họp bản, buổi sinh hoạt phụ nữ dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm. Đòng thời xây dựng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) nhằm tạo diễn đàn trao đổi về bình đẳng giới; tham mưu cấp ủy, chính quyền về bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đảng viên là nữ; hỗ trợ vốn, kiến thức, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ...
Đến nay, toàn Hội có 15 chi hội, 936 hội viên mà có tới 11 “5 không 3 sạch”, 15 mô hình tiết kiệm, 15 CLB văn hóa, văn nghệ… thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia. Việc hình thành, duy trì các CLB tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong triển khai các phong trào, hoạt động của địa phương. Từ đó, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng ngày càng được thể hiện rõ nét.
Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức hoạt động tuyên truyền: Luật Bình đẳng giới; Luật Lao động; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; các chương trình, đề án, dự án về bình đẳng giới,… đến 15/15 bản với 2.845 lượt hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia. Tiếp tục thực hiện đề án 938, Hội đã phối hợp tuyên truyền cung cấp kiến thức kỹ năng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới cho trên 305 hội viên, phụ nữ
Hội viên phụ nữ xã Bình Lư tự tin biểu diễn trong các chương trình văn nghệ
Trao đổi với chúng tôi, chị Đèo Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lư cho biết: Hàng năm, Hội phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; động viên hội viên tham gia phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp. Nhiều hội viên là nhân tố điển hình trong phát triển sản xuất ở địa phương, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, chị em phụ nữ ở xã đã tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, giữ các vị trị lãnh đạo chủ chốt của xã, bản
Cụ thể, hiện tỷ lệ nữ là đại biểu hội đồng nhân dân xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 7/20 chiếm 35%. Tỷ lệ nữ tham gia Ban thường vụ xã 01 người là 20%. Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành Đảng bộ xã là 03/14 người chiếm 21,4%. Tỷ lệ nữ là công chức trong chính quyền là 03/6 người chiếm 50%. Tỷ lệ nữ cán bộ giữ chức vị chủ chốt Đảng ủy 01 người chiếm 100%. Tỷ lệ nữ giữ vị trí chủ chốt ban ngành, các đoàn thể của xã là 2/5 chiếm 40%. Tỷ lệ nữ giữ vị trí cán bộ bản (Trưởng bản) 02/13 chiếm 15,3%.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn xã Bình Lư sẽ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn xã
Trọng Hoản