Những năm gần đây, xã Sơn Bình dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch. Có được thành quả này là nhờ sự đồng thuận, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Trong đó không thể không nhắc tới chị Hàng Thị Pàng, bản Chu Va 6 – một trong những người phụ nữ Mông đầu tiên của bản mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Homstay của chị Hàng Thị Pàng (ở giữa) tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình.
Là một trong những người đầu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng xã Sơn Bình, những ngày đầu, chị Hàng Thị Pàng, bản Chu Va 6, xã Sơn Bình gặp không ít khó khăn nhưng với sự tâm huyết, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của mình, chị Pàng dùng ngôi nhà sàn của mình ở bản Chu Va 6 làm nơi đón khách. Du khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài. Họ đến để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa qua những công việc rất đỗi đời thường của đồng bào người Mông như: thêu thùa, vẽ sáp ong, nhuộm vải,… Khi mới vào hoạt động, chị cũng bất ngờ về nhu cầu trải nghiệm và khá bỡ ngỡ trong việc đón khách. Nhưng sau đó, dần dần chị đã xây dựng được chương trình trải nghiệm thú vị để phục vụ du khách được tốt hơn. Do đó, Homestay May Liên Sơn do vợ chồng chị làm chủ được thành lập vào cuối năm 2023 ngày càng được nhiều người biết đến. Hơn 1 năm qua, cơ sở Homestay của chị đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo được uy tín với du khách.
Chị Pàng chỉnh trang, dọn dẹp buồng phòng chuẩn bị đón du khách.
“Bản thân tôi đã được các cấp, các ngành cho đi tham quan, học hỏi làm du lịch cộng đồng ở nhiều nhiều địa phương. Bằng kinh nghiệm đã học hỏi được và vốn kiến thức về phong tục tập quán, tôi đã trang trí nhà cửa, lựa chọn ẩm thực và tổ chức trình diễn văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông để tiếp đón và phục vụ du khách. Từ đó, cơ sở du lịch cộng đồng của gia đình tôi ngày càng được du khách biết đến, lựa chọn” - chị Hàng Thị Pàng cho biết.
Chị Pàng (ở giữa) vẫn luôn thường xuyên gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình tạo điểm nhấn cho Homestay gia đình mình.
Homestay của chị Pàng giờ đây dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt khách mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Thành công của chị là tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Sơn Bình học hỏi vươn lên thoát nghèo bằng con đường khởi nghiệp tại quê hương. Ngoài làm homestay, chị Pàng cũng tập trung phát triển kinh tế như mở hàng tạp hóa, chăn nuôi cá nước lạnh, trồng thảo quả - mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Cửa hàng tạp hóa của chị Pàng (bên trái).
Bà Trần Thị Lươt – Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Bình, cho hay: “Thời gian qua, tranh thủ các nguồn lực các cấp đầu tư cho phát triển du lịch, nhiều hội viên phụ nữ đã tiên phong, mạnh dạn tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, ẩm thực truyền thống của địa phương. Nhờ đó, toàn xã đã xuất hiện một số mô hình du lịch cộng đồng homestay do phụ nữ làm chủ, đem lại thu nhập ổn định trong năm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên về vốn, kiến thức phát triển du lịch, tuyên tuyền vận động hội viên, phụ nữ chỉnh trang đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc Mông... để nhân rộng các cơ sở du lịch cộng đồng”.
Hội LHPN Sơn Bình cùng hội viên tạo cảnh quan làng, bản xanh – sạch – đẹp.
Câu chuyện về làm du lịch cộng đồng của chị Hàng Thị Pàng đã và đang lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm để nhiều người dân trong vùng học tập, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Sơn Bình.
Cầm Thanh