Xã Hồ Thầu: ĐT: 0231.3750.303
1. Vị trí địa lý
- Vị trí địa lý: Xã Hồ Thầu nằm ở phía Bắc của huyện Tam Đường, có tổng diện tích tự nhiên là 4.490,09 ha, chiếm 6,3% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 2.927,63 ha, (trong đó: diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 578 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 2.344,86 ha); diện tích đất phi nông nghiệp là 55,27 ha; đất chưa sử dụng là 1.507,19 ha. Diện tích đất lâm nghiệp lớn là một trong những lợi thế lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương. Dân số 2.996 người gồm 4 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Thái, Dao và dân tộc khác, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 97% dân số, mật độ dân số là 67 người/km2
và có địa giới hành chính như sau:
+ Phía Tây Bắc giáp xã Giang Ma;
+ Phía Tây Nam giáp xã Bản Hon;
+ Phía Đông Bắc giáp xã Bình Lư và huyện Bát Xát – Lào Cai;
+ Phía Đông Nam giáp thị trấn Tam Đường.
2. Địa hình
Xã Hồ Thầu có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi xen kẽ các khe nước nhỏ, phổ biến là kiểu địa hình núi cao ở phía Bắc thuộc vùng đệm của vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, thấp dần về phía Nam là các dải thung lũng nhỏ và hẹp tạo lên các cánh đồng nhỏ.
3. Điều kiện tự nhiên
- Sông suối: Trên địa bàn có 1 hệ thống suối chính là suối Sử Thàng dài 4,5 km và 2 hệ thống suối phụ, phân bố đồng đều theo các khe núi, nguồn nước dồi dào phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao.
- Khí hậu, thời tiết:
+ Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam, có 1 mùa đông lạnh thực sự và sương muối. Ở các khu vực núi cao trên 1000 m thường có mây mù vào sáng sớm, khí hậu ẩm ướt thích hợp cho phát triển cây thảo quả và các loại cây ôn đới.
+ Chia làm 2 mùa rõ rệt mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa tập trung vào tháng 6 và tháng 7 là chính. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, trong khoảng thời gian này sông suối thường cạn kiệt, xuất hiện gió hanh khô. Do lượng mưa trong năm phân bố không đồng đều nên gây hiện tượng thừa nước vào mùa mưa còn thiếu nước vào mùa khô.
4. Tài nguyên thiên nhiên
4.1. Tài nguyên đất
Hồ Thầu có 4.490,09 ha diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất Feralit được chia thành hai nhóm đất chính như sau:
Nhóm đất mùn đỏ vàng trên đá biến chất, được hình thành và tập trung chủ yếu ở khu vực đồi núi thấp, các thung lũng có độ dốc dưới 250, hàm lượng chất hữu cơ và tầng mặt cao và chủ yếu là lớp mùn thô, rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây hàng năm và cây công nghiệp. Khu vực này chủ yếu hình thành các dải ruộng nhỏ hẹp ven theo các triền đồi, nhưng đã được nhân dân canh tác lâu đời, chất lượng đất tương đối tốt, thuận lợi cho việc phát triển mô hình nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, diện tích đất tập trung chủ yếu ở các bản Hồ Thầu, Đội 4, Khèo Thầu và Rừng ổi…Trên diện tích đất này nhân dân địa phương chủ yếu canh tác lúa nước và một số loại cây hoa màu ngắn ngày như Lạc, Đậu, Rau …
Nhóm đất mùn vàng trên núi, được hình thành và tập trung chủ yếu ở những dãy núi cao có độ dốc trên 250, tầng dày trung bình, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, thích hợp cho việc phát triển rừng. Hồ Thầu là một xã có trữ lượng rừng rất lớn, tạo ra tiểu vùng khí hậu hết sức mát mẻ và đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, ở một số khu vực trong xã còn giữ được một diện tích rừng nguyên sinh khá lớn, tầng đất dày và có giá trị cả về kinh tế và xã hội, giá trị đa dạng sinh học cần được gìn giữ và phát triển. Dưới các khu vực rừng phòng hộ của xã hiện nay còn có nhiều các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như Nấm, Thảo quả… Trên đất này còn thuận lợi cho việc trồng cây lâm nghiệp lâu năm và một số loại cây đa dụng như Mắc Ca, Táo, …
4.2.Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã chỉ có một số con suối nhỏ với lưu lượng thấp, đây là nguồn nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nguồn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu vào mùa mưa, nhưng mùa khô bị thiếu nước.
4.3.Tài nguyên rừng
Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hồ Thầu đã thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của việc khoanh nuôi bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Đến nay, diện tích đất rừng của xã hiện có: 2344,86 ha, chiếm 52,22% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, chủ yếu là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nguồn thu từ rừng được tăng lên rõ rệt, chủ yếu là thảo quả.
5. Tiềm năng phát triển
Tiềm năng đất đai: Đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp.
Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã có hệ thống suối Sử Thàng và các khe suối nhỏ tạo ra nguồn nước mặt dồi dào thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Tiềm năng du lịch: Trong xã có khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở giữa hai bản Gia Khâu và Chù Lìn chất lượng tốt tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, xã có các ngành nghề truyền thống cần được duy trì và khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao trong giai đoạn tới.
Tiềm năng dịch vụ: Xã liền kề với Thị Trấn Tam Đường – trung tâm huyện lỵ của huyện Tam Đường, có quốc lộ 4D chạy qua, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại.
Tiềm năng phát triển lâm nghiệp và nông – lâm sản ngoài gỗ: Trữ lượng rừng của xã Hồ Thầu được đánh giá cao nhất trong huyện Tam Đường, đây là một lợi thế rất lớn cho việc phát triển ngành lâm nghiệp với các sản phẩm từ rừng như Thảo quả, củi, cây dược liệu..…
Tiềm năng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Trong xã có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như Gạo Tẻ râu, tám thơm, sén cù..… Ngoài ra xã còn có sản lượng Thảo quả cao nhất huyện. Tạo sản phẩm hàng hóa, vì vậy ngành xay sát gạo và nấu rượu, chế biến Thảo quả là một trong những hướng sản xuất cần được chú trọng. Trên địa bàn xã có tiềm năng về khai thác lâm sản ngoài gỗ, chế biến gỗ và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt, làm bánh phở.
Tiềm năng về nguồn lao động: Dân số đông với nguồn lao động dồi dào, người dân chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất là cơ sở để phát triển kinh tế xã hội.