Xã Thèn Sin: ĐT: 0231.3752.803
1. Vị trí địa lý
- Vị trí địa lý: Thèn Sin là xã vùng núi cách trung tâm huyện Tam Đường 32 km về phía Tây Bắc, tổng diện tích tự nhiên 3.889,99 ha. Dân số 2.869 người gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Kinh, Thái, Mông, Dao, Giấy. Mật độ dân số 74 người/km2
+ Phía Bắc giáp xã Nậm Se, xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ.
+ Phía Nam giáp xã San Thàng thị xã Lai Châu.
+ Phía Đông giáp xã Tả Lèng huyện Tam Đường.
+ Phía Tây giáp xã Sùng Phài (huyện Tam Đường), xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ).
- Diện tích tự nhiên: Tổng diện tích theo địa giới hành chính của xã là 3.889,99 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 3.180,75 ha; diện tích đất phi nông nghiệp là 134,19 ha; đất chưa sử dụng là 550,0 ha.
2. Địa hình: Xã Thèn Sin có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi xen kẽ các khe nước nhỏ, chủ yếu là đồi núi xen kẽ các giải đất thung lũng nhỏ hẹp tạo thành những cánh đồng ruộng bậc thang để trồng lúa và cây hoa màu khác.
3. Điều kiện tự nhiên
+ Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam, có 1 mùa đông lạnh và sương muối. Ở các khu vực núi cao trên 1000m thường có sương mù vào sáng sớm, khí hậu ẩm ướt thích hợp cho phát triển các loại cây nhiệt đới và á nhiệt đới.
+ Chia làm 2 mùa rõ rệt mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mưa tập trung vào tháng 6 và tháng 7, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
4. Tài nguyên thiên nhiên
4.1. Tài nguyên đất: Thèn Sin có 3.889,99 ha diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất Feralit được chia thành hai nhóm đất chính như sau:
Nhóm đất mùn đỏ vàng trên đá biến chất, được hình thành và tập trung chủ yếu ở khu vực đồi núi thấp, các thung lũng có độ dốc dưới 250, hàm lượng chất hữu cơ và tầng mặt cao và chủ yếu là lớp mùn thô, rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây hàng năm và cây công nghiệp. Khu vực này chủ yếu hình thành các dải ruộng nhỏ hẹp ven theo các triền đồi, nhưng đã được nhân dân canh tác lâu đời, chất lượng đất tương đối tốt, thuận lợi cho việc phát triển mô hình nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, diện tích đất tập trung chủ yếu ở các bản Thèn Sin, Đông Phong, Lở Thàng…Trên diện tích đất này nhân dân địa phương chủ yếu canh tác Lúa và một số loại cây hoa màu ngắn ngày như Lạc, Đậu, Rau màu…
Nhóm đất mùn vàng trên núi, được hình thành và tập trung chủ yếu ở những dãy núi cao có độ dốc trên 250, tầng dày trung bình, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, thích hợp cho việc phát triển rừng. Thèn Sin là một xã có trữ lượng rừng tương đối lớn, tạo ra tiểu vùng khí hậu hết sức mát mẻ và đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, ở một số khu vực trong xã còn giữ được một diện tích rừng nguyên sinh khá lớn, tầng đất rất dày và có giá trị cả về kinh tế và giá trị đa dạng sinh học cần được gìn giữ và phát triển. Trên đất này còn thuận lợi cho việc trồng cây lâm nghiệp lâu năm và một số loại cây đa dụng như: dẻ, táo, tê, thông.
4.2.Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã có suối Nậm So và một số suối nhỏ với lưu lượng thấp, đây là nguồn nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nguồn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu vào mùa mưa, nhưng mùa khô bị thiếu nước.
4.3.Tài nguyên rừng: Diện tích đất rừng của xã hiện có: 1.827,66 ha, chiếm 46,98%% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, chủ yếu là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nguồn thu từ rừng không đáng kể.
4.4. Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn xã có mỏ vàng với trữ lượng đáng kể tập trung tại 2 bản Thèn Sin (đường đi Sin Súi Hồ) và bản Sin Câu.
5. Tiềm năng phát triển
- Thèn Sin có địa hình, đất đai, khí hậu đa dạng, phong phú, có thể trồng được nhiều loại cây trồng với năng suất cao và ổn định như cây Lúa, cây ăn quả và một số loại rau màu... Vùng đất đồi gò (đất đỏ vàng) phù hợp với việc phát triển rừng, cây ăn quả, cây đậu tương và phát triển kinh tế vườn đồi nói chung. Đất ruộng (sản phẩm của quá trình dốc tụ) phù hợp với các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Đất rừng có tầng đất mặt trung bình phù hợp với việc phát triển cây lâm nghiệp đặc biệt là trồng cây làm nguyên liệu giấy như Tre, Trúc,...
- Tiềm năng đất đai: Các cánh đồng của xã tương đối màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Xã có cánh đồng Thèn Sin thuận lợi chuyên canh lúa chất lượng cao tạo sản phậm hàng hóa như Gạo Tẻ Dâu, Nghi Hương, Mèo Thơm.
- Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã có hệ thống suối Nậm So gồm suối Nậm So và các khe suối nhỏ tạo ra nguồn nước mặt dồi dào thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
- Tiềm năng du lịch: Trong xã có mỏ nước nóng tại bản Tả Sí Tồ trữ lượng lớn và chất lượng tốt tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
- Tiềm năng dịch vụ: Xã đã hoàn thiện chợ trung tâm xã đạt chuẩn Bộ Xây dựng, diện tích sử dụng 2.500 m2, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại.
- Tiềm năng khai khoáng: Xã có 1 mỏ vàng, qua đánh giá sơ bộ có trữ lượng tương đối lớn, đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế của xã.
- Tiềm năng thủy điện: Xã có thung lũng chạy dài theo các khe núi dọc suối Nậm So có tiềm năng rất lớn về thủy điện và nguồn nước sản xuất.
- Tiềm năng phát triển tiểu thủ công nghiệp: Trong xã có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như Séng cù, Nghi hương,… Tạo sản phẩm hàng hóa, vì vậy ngành chế biến nông sản là một trong những hướng sản xuất cần được chú trọng.
- Tiềm năng phát triển nông nghiệp: Đất nông nghiệp (trồng cây có hạt) không nhiều, nhưng khả năng thâm canh cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Chăn nuôi có tiềm năng phát triển cả về số lượng và chất lượng như nuôi trâu, dê, lợn, gia cầm theo quy mô gia trại và trang trại tập trung.