Xã Nà Tăm: ĐT: 0231.3750.502
1. Vị trí địa lý
- Vị trí địa lý: Nà Tăm có tổng diện tích tự nhiên là 2.416,98 ha. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 bản với 613 hộ gồm 3.274 nhân khẩu, mật độ dân số trung bình 135 người/km2 và dân tộc Lào chiếm 99,3%, dân tộc kinh chiếm 0,6%, còn lại là 0,05% dân tộc Thái và 0,05% dân tộc Mường.
Có địa giới hành chính như sau:
+ Phía Bắc giáp xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
+ Phía Nam giáp xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
+ Phía Đông giáp xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
+ Phía Tây giáp xã Bình Lư và Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
- Diện tích tự nhiên: Tổng diện tích tự nhiên là 2.416,98 ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 1.133,72 ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 129,31ha; đất chưa sử dụng là 1.153,95 ha. Diện tích đất lâm nghiệp lớn là một trong những lợi thế lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương.
2. Địa hình
Địa hình của xã Nà Tăm có một phần tương đối bằng phẳng và phần lớn là đồi núi cao trung bình 700 – 1.200m. Trên địa bàn xã hình thành nhiều suối và mó nước nằm rải rác.
3. Điều kiện tự nhiên
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, về khí hậu xã Nà Tăm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.600mm/năm, cao nhất là 2.500mm/năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, thời tiết khô hanh, ít mưa, lạnh và thường xuyên xuất hiện sương mù. Nhiệt độ trung bình năm từ 23 – 270C, nhiệt độ cao nhất 350C, nhiệt độ thấp nhất co thể xuống dưới 50C. Độ ẩm không khí trung bình là 85%, độ ẩm thấp nhất khoảng 56%. Đặc biệt là có giông trên địa bàn xã xuất hiện nhiều nhất vào tháng 5 và kèm theo gió xoáy.
4. Tài nguyên thiên nhiên
4.1. Tài nguyên đất
Xã Nà Tăm có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.416,98 ha. Đất đai của xã Nà Tăm chủ yếu là các nhóm đất phù sa, đất pha cát, sét trên sản phẩm bồi tụ của cacbonat, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi.
Các nhóm đất phù sa ngòi suối, đất đen trên sản phẩm bồi tụ của cacbonat, nhóm đất vàng được hình thành và tập trung chủ yếu ở khu vực đồi thấp, các thung lũng có độ dốc 25o, hàm lượng chất hưu cơ, tầng mặt rất cao và chủ yếu là lớp mùn thô, rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây hàng năm và cây công nghiệp.
Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi, được hình thành và tập trung chủ yếu ở những dẫy núi cao có độ dốc trên 25o, tầng dày trung bình, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, thích hợp cho việc phát triển rừng.
4.2.Tài nguyên nước
Trên địa bàn xã có 1 con suối chính đó là Nậm Mu, phân bố đều, nguồn nước dồi dào phù hợp cho việc phát triển nông – lâm nghiệp theo hướng tập trung, đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, nguồn nước phân bổ không đồng đều theo mùa trong năm, lượng nước tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa từ tháng 4 – 10 âm lịch, chiếm 70% tổng lượng nước bề mặt.
4.3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê diện tích rừng năm 2011 xã Nà Tăm có diện tích rừng là 494,34 ha, độ che phủ đạt 20,45%. Diện tích rừng của xã chủ yếu là rừng trồng sản xuất.
4.4. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản của xã chủ yếu là các mỏ đá lộ thiên, hiện đang được khai thác sử dụng làm vật liệu xây dựng của công ty khai thác đá.
5. Tiềm năng phát triển
- Tiềm năng đất đai: Đất đai màu mỡ, địa hình tương đối bằng phẳng nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trồng các loại cây công nghiệp như cây Mác Ca, cây Sở, tre lấy măng và quy hoạch rừng sản xuất. Ngoài ra đất đai trên địa bàn xã còn có trữ lượng đất sét lớn cung cấp cho ngành công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.
- Tiềm năng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Trên địa bàn xã có tiềm năng về khai thác vật liệu xây dựng và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, sản xuất chổi chit; đan chài lưới.
- Tiềm năng làng nghề: Trên địa bàn xã, bà con dân tộc người Lào vẫn còn lưu giữ được truyền thống dệt thổ cẩm mang nét đặc trưng riêng của dân tộc Lào, là một trong những tiềm năng lớn để có thể phát triển làng nghề thủ công truyền thống mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con.
- Tiềm năng về nguồn lao động: Dân số đông với nguồn lao động dồi dào, người dân chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất là cơ sở để phát triển kinh tế xã hội.
- Tiềm năng nguồn nước: Trong xã có con suối Nậm Mu chảy qua cung cấp một phần đáng kể cho sản xuất và sinh hoạt của người dân;
- Tiềm năng về nhân văn: Dân số của xã có 99,3% là dân tộc Lào, chính vì vậy tạo ra những nét đặc trưng riêng về văn hoá của dân tộc Lào. Đây là tiềm năng để phát triển làng nghề gắn với nền văn hoá và phục vụ du lịch trong tương lai.