Xã Tả Lèng
1. Vị trí địa lý
Tả Lèng là xã miền núi khó khăn của huyện Tam Đường nằm cách trung tâm huyện 28 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu khoảng 6 km có diện tích tự nhiên là 5.057,5 ha chiếm 7,37% diện tích của huyện, dân số 3.826 người gồm 3 dân tộc chính là Kinh, Mông và Dao, mật độ dân số 76 người/km2 và có địa giới hành chính như sau:
+ Phía Tây Bắc giáp xã Thèn Sin huyện Tam Đường và xã Sin Súi Hồ huyện Phong Thổ;
+ Phía Tây Nam giáp xã San Thàng, thị xã Lai Châu;
+ Phía Đông Bắc Giáp huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai;
+ Phía Đông Nam giáp xã Giang Ma.
Là xã thuộc huyện Tam Đường nhưng tiếp giáp với thị xã Lai Châu nên thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá và giao lưu với thị trường bên ngoài.
2. Địa hình
Địa hình xã phức tạp được chia thành 2 vùng rõ rệt, phía Đông Bắc là những dãy núi cao chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của xã, có độ cao từ 850 - 2.900m, độ dốc phổ biến trên 250, thoải đều từ Đông Bắc xuống Tây Nam, phía Tây Nam là sự kết hợp xen kẽ giữa những dãy núi thấp và thung lũng chạy dài theo suối.
3. Điều kiện tự nhiên
- Sông suối: Trên địa bàn có 1 hệ thống suối chính là suối Tả Lèng dài 9 km và 6 hệ thống suối phụ, phân bố đồng đều theo các khe núi, nguồn nước dồi dào phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao.
- Khí hậu, thời tiết:
+ Chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền bắc, được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn kết hợp với các yếu tố địa hình tạo nên hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp trời hanh khô, có sương muối. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 không khí nóng và mưa nhiều.
+ Chế độ nhiệt trung bình khoảng 200C, cao nhất vào tháng 7 khoảng 330C, thấp nhất vào tháng 12 khoảng dưới 60C.
Lượng mưa hàng năm khoảng 2.600 mm/năm. Lượng mưa cả năm tập trung từ tháng 4 - 9 chiếm 80% lượng mưa cả năm.
Độ ẩm không khí tương đối cao khoảng 83%. Mùa khô độ ẩm không khí thấp thường xuất hiện hanh khô. Sương mù thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tập trung nhiều nhất là tháng 12 và tháng 1 thường kèm theo sương muối.
4. Tài nguyên thiên nhiên
4.1. Tài nguyên đất
Xã Tà Lèng có tổng diện tích đất tự nhiên là 5.057,5 ha chiếm 7,37% diện tích đất của huyện Tam Đường, trong đó: diện tích đất nông nghiệp là là 3.936,46 ha, đất phi nông nghiệp 109,51 ha đất chưa sử dụng là 1.011,53 ha. Trên địa bàn xã có rất nhiều loại đất khác nhau, trong đó chủ yếu là đất phù sa bồi tụ, đất feralit biến đổi phân bố chủ yếu ở các khu vực trồng lúa nước, đất feralit đỏ vàng và vàng nhạt, đất mùn trên núi cao… Nhìn chung, tính chất đất ở đây khá thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiêp và cây hàng năm..
4.2.Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã chỉ có một số con suối nhỏ với lưu lượng thấp, đây là nguồn nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nguồn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu vào mùa mưa, nhưng mùa khô bị thiếu nước.
4.3.Tài nguyên rừng
Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Tả Lèng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của việc khoanh nuôi bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Đến nay, diện tích đất rừng của xã hiện có: 3.226,83 ha, chiếm 64% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, chủ yếu là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nguồn thu từ rừng được tăng lên rõ rệt, chủ yếu là thảo quả.
5. Tài nguyên nhân văn
Toàn xã có 682 hộ với 3.804 khẩu tập trung tại 13 thôn bản gồm có 3 dân tộc sinh sống bao gồm dân tộc Dao, dân tộc H’Mông và dân tộc Kinh. Quy mô khoảng 5,5 người /hộ, tỷ lệ tăng dân số năm 2010 là 2,8%. Tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn 1.779 người. Trong đó làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp 1.758 người, chiếm 98,8 %.
Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng và được lưu giữ qua nhiều thế hệ, đã tạo nên đời sống văn hóa, lễ hội phong phú trong vùng. Các dân tộc luôn đoàn kết, cần cù và sáng tạo trong lao động, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ và xóa bỏ dần các hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
6. Tiềm năng phát triển
- Tiềm năng đất đai: Nguồn đất đai rộng và khá màu mỡ thuận lợi cho phát triển nền nông lâm nghiệp sinh thái bền vững.
- Diện tích đất bình quân trên đầu người cao và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu có giá trị cao như táo mèo, thảo quả..,cây hàng năm như dong riềng, rau, hoa... và phát triển chăn nuôi gia súc.
- Khí hậu mang đặc trưng của khu vực Tây Bắc với một nền nhiệt thấp và phân hoá rõ rệt theo độ cao là tiềm năng lớn để phát triển hình thành các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đặc biệt là hình thành các vùng chuyên canh các loại cây ôn đới: cây ăn quả và rau màu.
- Tiềm năng du lịch: Địa hình được cấu tạo bởi các dãy núi cao, xen kẽ là các thung lũng sâu và và cánh đồng hẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm tạo nên cảnh quan đẹp. Phát triển du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản làng văn hóa kết hợp với các điểm du lịch khác trong huyện hình thành các tour du lịch là một hướng phát triển tiềm năng của xã.
- Tiềm năng nguồn nước: Trong xã có hệ thồng suối lớn và khe suối có trữ lượng nước tương đối dồi dào cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt.
- Tiềm năng về nguồn lao động: Dân số đông với nguồn lao động dồi dào, người dân chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất là cơ sở để phát triển kinh tế xã hội.