Trong những năm gần đây, phong trào thanh niên thi đua lập thân lập nghiệp, trên địa bàn huyện Tam Đường đã được triển khai sâu rộng tới đông đảo đoàn viên thanh niên. Từ những phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thanh niên điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như tấm gương chị Lù Thị Quyết, (24 tuổi), dân tộc Giáy, bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin với mô hình nuôi lợn thương phẩm
Theo chân cán bộ đoàn xã Thèn Sin, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn của chị Lò Thị Quyết vào buổi sáng sớm, khi chị đang tất bật với công việc chăm sóc đàn lợn của gia đình. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, chẳng ai nghĩ Quyết lại chọn công việc đầy vất vả và rủi ro, đó là “nuôi lợn thương phẩm” để khởi nghiệp và thành công.
Chị Lù Thị Quyết, bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin chăm sóc đàn lợn của gia đình
Tuy nhiên, những ngày đầu khởi nghiệp với chị cũng không dễ dàng gì. Trong câu chuyện với Quyết chúng tôi được biết: Những năm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị cũng từng ước mơ có một công việc ổn định ở các cơ quan Nhà nước, nhưng khi tốt nghiệp trường PTDTNT THPT huyện, thay vào việc lựa chọn cho mình một trường chuyên nghiệp để theo học mà chị lại quyết định về bản để lập nghiệp
Năm 2018 chị lên duyên với chàng trài cùng bản, cũng từ đây con đường khởi nghiệp cũng chính thức bắt đầu. Hai vợ chồng chị đã bàn bạc và vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để xây trang trại chăn nuôi lợn. Những năm đầu nuôi ít, thì thấy suôn sẻ, năm 2020 chị nhân đàn lên số lượng vài chục con thì đúng dịp dịch tả lợn Châu phi bùng phát. Gia đình chị cũng như nhiều người dân trong bản, trong xã đều trắng tay do dịch bệnh này
Không nản chí, khi dịch bệnh được khống chế, chị lại tiếp tục vay thêm vốn để tái đàn. Rút kinh nghiệm lần thất bại trước, lần này chị chú trọng hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn, như: Tiêm phòng vắc xin định kỳ đầy đủ, phun khử khuẩn thường xuyên và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do các cấp tổ chức, tham quan học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi lợn trong xã để đúc rút những kinh nghiệm trong chăn nuôi cho bản thân.
Chị Lù Thị Quyết, bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin chăm sóc đàn lợn của gia đình
Nhờ kiên trì, chịu khó ham học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, đàn vật nuôi của gia đình chị đã phát triển tốt. Trung bình mỗi năm chị xuất bán từ 3-4 tấn lợn thịt cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, để có thêm thu nhập chị còn nấu rượu bán đồng thời lấy bỗng rượu phục vụ cho chăn nuôi. Mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường trên 1.000 lít rượu. Tận dụng nguồn nước tự nhiên gia đình chị còn đào ao nuôi cá... Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đã cho gia đình thu nhập sau khi trừ chi phí trên 170 triệu đồng. Hiện gia đình chị đang đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi
Chị Lù Thị Quyết – Bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đương chia sẻ: Với tôi, tuổi trẻ thì không được ngại khó, ngại khổ mà phải luôn năng động tìm tòi cho mình một hướng đi trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi lợn thương phẩm đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định và có thêm tích lũy để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại
Với sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc của bản làng, năm 2021 chị được bầu làm Bí thư chi đoàn bản, năm 2022 chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trên cương vị này, chị luôn gương mẫu, đi đầu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, nhất là phong trào Đoàn thanh niên
Nhận xét về người nữ Bí thư chi đoàn trẻ tuổi này, anh Trần Hữu Quang – Bí thư đoàn xã Thèn Sin, huyện Tam Đường nói: Không chỉ là gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi, chị Quyết còn là một bí thư chi đoàn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc và luôn được đông đảo đoàn viên, thanh niên tin tưởng, quý mến. Bên cạnh đó, chị luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với sự năng động, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, nữ bí thư chi đoàn Lù Thị Quyết không chỉ xây dựng cho mình được một hướng phát triển kinh tế phù hợp mà còn là một trong những nhân tố tích cực truyền lửa cho phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Vừa qua, chị vinh dự là một trong mười thanh niên có thành tích tiêu biểu trong phong trào Thanh niên khởi nghiệp năm 2024 được Chủ tịch UBND huyện Tam Đường tặng giấy khen
Trọng Hoản