Làm giàu từ chăn nuôi

Thứ tư - 09/06/2021 04:03 1.158 0
Theo chân lãnh đạo xã Bản Hon, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Đức Văn (SN 1962) ở bản Bản Hon, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) Một nông dân điển hình trong vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Sinh ra tại xã Hoàng Xuân, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1995, gia đình ông Nguyễn Đức Văn chuyển lên sinh sống tại bản Bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Những năm đầu khởi nghiệp, vợ chồng ông bắt tay vào chăn nuôi vài con lợn, con gà, sau đó phát triển lên số lượng lớn hơn. Những năm trở lại đây, gia đình ông nuôi trung bình từ 35 – 40 con lợn, trong đó tập trung nuôi lợn nái và lợn thịt. Giống lợn được gia đình ông lai tạo giữa giống lợn Móng Cái với giống lợn đen địa phương. Hiện nay, gia đình ông nuôi 12 con lợn nái sinh sản, mỗi lứa đẻ bình quân 9-12 con. Toàn bộ số lợn con này đều được ông giữ lại để nuôi lợn thịt, khi lợn đạt trọng lượng từ 1- 1,2 tạ/con thì xuất bán, bán ra thị trường với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg lợn hơi.
Ông Nguyễn Đức Văn phấn khởi chia sẻ: “Để phát triển kinh tế, những năm gần đây gia đình tôi đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mỗi năm gia đình nuôi trung bình từ 10-12 con lợn nái, 25- 30 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất từ 5 đến 7 tấn lợn hơi. Gia đình tôi chủ động được nguồn giống nên tiết kiệm được chi phí đầu tư, đồng thời chất lượng con giống cũng đảm bảo. Để đàn lợn phát triển tốt, tôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, một ngày 2 lần vào buổi sáng, buổi chiều. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Ngoài ra, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm gia cầm, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 150 triệu đồng”.

 
IMG 1478a
Ông Nguyễn Đức Văn chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Để đàn lợn lớn nhanh, khỏe mạnh, gia đình ông đặc biệt chú trọng tới chế độ dinh dưỡng. Ngoài cho lợn ăn cám, ngô… thông thường, ông còn chế biến thức chăn nuôi dạng viên từ cám và các phụ phẩm nông nghiệp. Theo ông Văn, việc làm cám dạng viên có rất nhiều tác dụng như: bổ sung canxi, chất tanh, các loại chất khoáng, giúp lợn sinh trưởng và phát triển nhanh, đồng thời tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Ngoài ra, để chăn nuôi hiệu quả, ông còn thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương khác; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh tại xã để áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình mình.  
Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông còn chăn nuôi gà, chim bồ câu. Giống bồ câu ông nuôi hiện nay là giống bồ câu ta, theo ông Văn loại bồ câu này rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, đều, ít bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Gia đình ông nuôi trung bình từ 40-50 đôi bồ câu, bán ra thị trường với giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/đôi, mỗi tháng xuất bán 15-20 đôi, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình.
Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình ông Văn, Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Đức Văn ở bản Bản Hon là một trong số những mô hình chăn nuôi lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương, nhiều năm liền gia đình ông là hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Để các hội viên nông dân trong xã học tập và noi theo, chúng tôi tuyên truyền, vận động Nhân dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình ông Văn để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần giúp Nhân dân chăn nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập cao”.
                                                                        Trọng Hoản

Nguồn tin: Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down