Người phụ nữ góp sức gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc Dao

Thứ tư - 16/10/2024 05:01 217 0
Xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nơi có 88% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, việc giữ gìn trang phục truyền thống được người dân nơi đây hết sức coi trọng. Trong đó, điển hình là chị Lù Thị Mỹ Hiền, sinh năm 1990 là người dân tộc Dao ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu đã quyết định gắn bó với nghề may để giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình.
z5935768271948
Chị Lù Thị Mỹ Hiền hoàn thiện bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao
Vốn là người con của đồng bào Dao sẵn biết nghề thêu thùa, may vá, nhận thấy nhu cầu thị trường hiện nay về trang phục dân tộc ngày càng nhiều, chị Hiền đã quyết định đầu tư mở tiệm may trang phục dân tộc Dao. Lúc đầu tiệm may của chị chủ yếu phục vụ gia đình và bà con trong bản. Nhưng để có thể may được những bộ trang phục dân tộc theo yêu cầu, xu hướng mới, vừa giảm thời gian, công sức cho ra được bộ áo váy dân tộc, lại vẫn giữ được những nét truyền thống riêng có. Chị Hiền đã tích cực học hỏi cách may và đầu tư trang bị đầy đủ máy móc, sử dụng vải với nhiều trang trí họa tiết, hoa văn khác nhau và cải tiến cách may để phù hợp theo yêu cầu.
z5935772087123
Chị Hiền chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chị em phụ nữ trong bản, trong xã cách may trang phục dân tộc để giúp chị em có thêm nguồn thu lúc nông nhàn
Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay, cẩn thận từng đường kim trên những mảnh vải vừa được cắt xong, chị Hiền chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu nghề may, tôi cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chưa tiếp cận được thị trường, trang phục may ra chủ yếu là phục vụ trong gia đình và bà con dân bản.  Qua một thời gian, sản phẩm trang phục truyền thống dân tộc của tôi dần được nhiều người biết đến, tiếp cận được nhiều khách hàng trên mạng Facebook, zalo. Đặc biệt từ sau dịch Covid-19, các địa phương tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, người dân đi lại nhiều hơn, tiệm may của tôi cạnh Quốc lộ 4D, lượng người đi lại rất đông, nhất là trong các dịp lễ. Vì thế, sản phẩm may của tôi cũng được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết biết...”
Công việc may trang phục dân tộc Dao đòi hỏi phải chăm chỉ, tỷ mỷ. Để có những bộ trang phục hoàn chỉnh, đẹp, đáp ứng yêu cầu của mỗi chị em phụ nữ thì đường kim, mũi chỉ cũng phải đẹp; Biết phối hợp ghép các mảnh vải sao cho hợp lý, tôn được vẻ đẹp hiện đại của trang phục, đồng thời vẫn đảm bảo được tính truyền thống, phù hợp với các lứa tuổi và được thị trường chấp nhận. Riêng phần thô, một bộ quần áo truyền thống đã mất 2-3 ngày, những bộ nào cầu kỳ cũng mất gần chục ngày.
Không chỉ may những bộ quần áo nam, nữ có trang trí những họa tiết của trang phục người Dao mà chị Hiền còn thiết kế may những sản phẩm khác như dây lưng, mũ nam, mũ trẻ em… Các sản phẩm chị trang trí nhiều họa tiết được làm thủ công đẹp mắt trên chất liệu vải do chính tay chị lựa chọn. Vào những dịp lễ, tết là thời gian chị Hiền đông khách nhất. Công việc tuy bận rộn nhưng nó đã trở thành niềm vui, động lực để chị có thêm quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề may. Chị Hiền cho biết thêm: "Một bộ trang phục dân tộc Dao có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên, có những bộ họa tiết cầu kỳ, mất nhiều thời gian thì có giá từ 3- 4 triệu. Mỗi tháng tôi may và bán được gần chục sản phẩm. Nhờ thế tôi thu về bình quân mỗi tháng 20 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Số tiền này là một bước chuyển đổi rất quan trọng với một phụ nữ Dao như tôi, đã giúp tôi chăm lo cho gia đình và trang trải cuộc sống”.
z5935776843518
Tiệm may của chị Hiền ở cạnh Quốc lộ 4D, lượng người đi lại rất đông. Sản phẩm may của chị cũng được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết biết
Bước đầu thu được hiệu quả kinh tế trong việc mở tiệm may trang phục dân tộc, chị Hiền cũng giành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chị em phụ nữ trong bản, trong xã cách may trang phục dân tộc để giúp họ có thêm nguồn thu lúc nông nhàn. Chị Phàn Thị Căm – Chủ tịch Hội LHPN xã Hồ Thầu chia sẻ: “Chị Hiền là một hội viên phụ nữ năng động, luôn có những sáng kiến, cách may trang trí trang phục rất đẹp. Chị cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chị em phụ nữ trong bản, trong xã. Mô hình của chị Hiền rất đáng biểu dương vì không chỉ đem lại lợi ích cho gia đình mà còn có thể nhân rộng trên địa bàn xã. Đặc biệt là góp phần giữ gìn và quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao, cũng là sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc, góp phần phát triển du lịch địa phương”. 
Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cùng sự năng động của chị Hiền, trang phục truyền thống không chỉ đơn giản mặc hằng ngày mà đang từng bước trở thành hàng hóa, đem lại giá trị đáng kể, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đồng thời, chị Lù Thị Mỹ Hiền đang góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và trang phục đặc sắc riêng có của dân tộc mình.
Ngọc Hà

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Ngọc Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down