Là địa phương có điều kiện khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua xã Bản Giang đã tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng các nguồn lực tự nhiên và xã hội để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, với mục tiêu đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành một trong những thế mạnh kinh tế củađịa phương.
Bản Giang là địa bàn có nhiều dòng suối chảy qua, nguồn nước tương đối phong phú, giao thông thuận tiện, hệ thống ao hồ phân bố rộng khắp. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Tận dụng tiềm năng về nguồn nước, cách đây 5 năm gia đình anh Vàng Văn Quyên ở bản Bản Giang đã cải tạo một số diện tích vườn tạp, ruộng cấy lúa kém hiệu quả thành ao thả cá. Ban đầu gia đình chỉ nuôi 1 ao với diện tích khoảng 3.000 m2, sau anh thuê thêm 3000 m2 ao của hộ liền kề để mở rộng diện tích ao nuôi cá. Cá được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cá lớn khá nhanh và ít dịch bệnh, bình quân mỗi năm gia đình anh thu hoạch gần 1 tấn cá bán ra thị trường, trừ mọi chi phí cũng cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Chia sẻ với chúng tôi anh Vàng Văn Quyên nói: Hiện gia đình tôi có 6.000m2 mặt nước, mỗi năm thả 3 tạ cá giống, cứ đến cuối năm chúng tôi thu hoạch một lần cũng lãi được trên 40 triệu đồng. So với trồng lúa thì thu nhập từ cá cao hơn nhiều. Những năm tiếp theo, gia đình tôi sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích đất kém hiệu quả ở gần các nguồn nước để đào ao thả cá. Nhân dân bản Bản Giang thả cá giống vào ao nuôi.
Trước đây gia đình anh Cá Văn Thành ở Bản Đoàn Kết có hơn 1 ha đất trũng chủ yếu trồng lúa, do hiệu quả trồng lúa không cao nên anh quyết định đầu tư, chuyển đổi diện tích này sang nuôi trồng thủy sản. Qua tìm hiều chúng tôi được biết, những năm trước trên diện tích ao nuôi hơn 1 ha này anh chỉ nuôi cá thịt, nhưng khoảng hai năm trở lại đây, anh mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi thêm cá giống để cung cấp cho bà con. Hàng năm trên diện tích hơn một ha mặt nước nuôi cá này cũng đem lại thu nhập cho gia đình anh trên 120 triệu đồng.
Anh Thành phấn khởi nói với chúng tôi: Trước đây, diện tích thả cá của gia đình tôi là đất ruộng chỉ trồng một vụ, lại gần suối mỗi khi mùa lũ về làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng xuất, do đó gia đình tôi chuyển đổi sang đào ao thả cá, so sánh lợi nhuận giữa nuôi cá với cấy lúa thì nuôi cá cao hơn cấy lúa và cũng không vất vả như trồng lúa. Anh Cá Văn Thành đang cho cá ăn
Theo thống kê, trên địa bàn xã Bản Giang có gần 82 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt 270 tấn, đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trong xã và là địa phương có diện tích ao hồ lớn nhất trong toàn huyện. Do đó, để phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản trong những năm qua, xã Bản Giang đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp và Ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người nuôi cá tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nghề nuôi cá.
Ông Đoàn Văn Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: Với diện tích ao hồ lớn, trong những năm qua có thể nói việc nuôi trồng thủy sản của xã Bản Giang là một trong nhưng mô hình phát triển kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người dân. Để duy trì và phát triển cùng như tăng năng xuất, sản lượng, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, chúng tôi đã tập chung chỉ đạo, khuyến khích người dân và phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay mở rộng phát triển diện tích và thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi cá để người dân hỗ trợ nhau trong phát triển nghề cá.
Với chủ trương, định hướng đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài trong việc duy trì và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, cộng với nhận thức của người dân trong việc phát triển nghề không ngừng được nâng lên, sẽ là điều kiện để nghề nuôi trồng thuỷ sản của Bản Giang ngày càng phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hoàng Cường