Khoảng hơn 1 năm nay, cùng với các loại con giống, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn tới giá lợn thịt giảm, đầu ra cũng không ổn định, khiến người chăn nuôi ở Bình Lư đã khó lại càng thêm khó.
Nhiều năm qua, ông Đào Văn Hùng ở bản Tòng Pẳng, xã Bình Lư lấy nghề nuôi lợn làm kế sinh nhai chủ yếu của cả gia đình. Thời điểm chăn nuôi thuận lợi, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 50 con lợn lớn nhỏ. Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, ông Hùng đã phải thu nhỏ quy mô đàn và bỏ trống một số chuồng nuôi bởi giá thức ăn tăng cao từ 20 - 30% so với trước, ngoài ra nguồn vốn cạn nên gia đình ông cũng không thể dự trữ nhiều thức ăn. Bên cạnh đó, giá lợn hơi và sức tiêu thụ trên thị trường cũng giảm, nên hiện nay ông chỉ dám đầu tư nuôi trên 20 con để duy trì đàn.
Tâm sự với chúng tôi ông Đào Mạnh Hùng nói: Hiện nay người chăn nuôi chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi giá cả leo thang, sau dịch Tả lợn Châu Phi chúng tôi mất đi nguồn vốn, giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăn nuôi của chúng tôi. Nếu trước đây mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 50 con, nhưng giờ phải giảm xuống còn hơn 20 con lợn vì nếu cứ đầu tư nuôi thì vừa vất vả, hiệu quả cũng không cao nên dành thời gian làm thêm công việc khác để bù thu nhập.Mặc dù gặp phải khó khăn trong chăn nuôi nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở bản Tòng Pẳn vẫn phải duy trì đàn nhưng với quy mô nhỏ hơn trước.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hùng, gia trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến cũng ở bản Tòng Pẳn có đến 8 chuồng nuôi, những năm trước lúc nào trong chuồng cũng có từ 60 - 70 con lợn, tuy nhiên thời gian gần đây giá lợn thịt xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, đặc biệt sau đợt dịch Tả lợn Châu Phi gia đình ông chỉ dám nuôi hơn 20 con để duy trì nghề.
Ông Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: Những năm trước gia đình tôi nuôi cũng vài chục con, mặc dù quy mô không lớn lắm nhưng thu nhập từ chăn nuôi cũng khá, nhưng từ khi giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi xuống nên giờ gia đình tôi phải thu hẹp lại quy mô để duy trì đàn chứ không dám đầu tư nuôi như trước.
Trước đây, Bình Lư là một trong những địa phương có đàn lợn lớn nhất huyện Tam Đường, thời điểm thuận lợi cả xã có đến trên 750 hộ chăn nuôi chiếm 65% số hộ gia đình trong toàn xã với tổng đàn lợn lên tới trên 5.800 con. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn thịt giảm, nhiều hộ gia đình không dám tái đàn bởi nếu tính toán không hợp lý có thể sẽ thua lỗ đành phải cheo chuồng. Do đó, tính đến nay toàn còn hơn 470 hộ bám trụ với nghề, kéo theo số đàn lợn giảm xuống chỉ còn hơn 2.200 con, giảm hơn 62% so với cách đây 3 năm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: Từ khi trên địa bàn xã xuất hiện dịch Tả lợn Châu Phi do đó người dân cũng không dám tái đàn nhiều, đặc biệt thời điểm hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn thịt giảm nên các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã thu hẹp lại quy mô, thậm chí có nhiều hộ gia đình không dám nuôi nữa, nên tổng số đàn lợn cảu xã giảm mạnh chưa đảm bảo theo kế hoạch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi và rà soát các bản có đủ điều kiện tái đàn để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi của địa phương.
Theo dự báo, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn có nhiều biến động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng chăn nuôi trên địa bàn xã. Vì thế, người chăn nuôi cần cân đối sản xuất, đặc biệt rất cần những chính sách, định hướng kịp thời từ ngành chuyên môn cũng như các cấp để ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Hoàng Cường