Từng được ví như loài cá “quý tộc” cá Tầm, cá Hồi đã giúp nhiều hộ dân ở Tam Đường vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ loài cá này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên lượng tiêu thụ cá Hồi, cá Tầm kém khiến người nuôi cá cũng lâm vào cảnh lao đao.
Những ngày này, người nuôi cá nước lạnh ở Tam Đường đang dùng đủ phương thức để tiêu thụ cá, song cũng không được là bao. Hàng trăm tấn cá đến kỳ xuất bán vẫn còn tồn tại các hồ nuôi.
Đã gần 1 năm trở lại đây, khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, trang trại nuôi cá Tầm, cá Hồi rộng 6.000m2 của anh Nguyễn Oanh ở bản Chu Va 8 - xã Sơn Bình lâm vào cảnh ế ẩm, mặc dù hàng ngày trại nuôi vẫn thường xuyên đăng tin rao bán cá trên các trang mạng xã hội để tìm mối tiêu thụ gỡ vốn đầu tư. Tuy nhiên lượng sản phẩm bán ra chỉ nhỏ giọt. Mặc dù còn tồn hàng tấn cá Tầm, cá Hồi thương phẩm nhưng không bán được hàng ngày anh Oanh vẫn phải tốn chi phí để duy trì đàn cá.
Anh Oanh chia sẻ: Cá tầm, cá Hồi chủ yếu tiêu thụ ở các Nhà hàng, quán ăn, tuy nhiên năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên thời điểm này hàng tấn cá đến thời kỳ xuất bán của gia đình vẫn không bán được, nếu tình hình dịch bệnh cứ diễn biến như thế này, các hàng quán không mở cửa, thực khách cũng không có thì chắc chắn rằng chúng tôi sẽ lỗ vốn.
Mặc dù diện tích nuôi không lớn, sản lượng cá cũng không nhiều, nhưng gia đình anh Hàng A Phàng ở bản Chu Va 8 - xã Sơn Bình lo lắng không kém bởi đầu tư nuôi cá mới được hơn 2 năm nay, khoản nợ ngân hàng 200 triệu vẫn chưa trả được, trong khi đó vẫn còn vài tấn cá nằm dưới ao chỉ bán nhỏ giọt, chi phí thức ăn hàng ngày cho cá vẫn phải chi trả nên không biết đến khi nào mới trả được nợ.
Buồn rầu anh Phàng nói: Thấy nhiều hộ nuôi cá Tầm, cá Hồi cho thu nhập khá mình cũng học và vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi, mặc dù mới nuôi được hơn 2 năm nay nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19, bùng phát cá không bán được, mà cá thì ngày nào cũng phải cho ăn, thỉnh thoảng mới bán được vài con không đủ tiền mua cám, cứ như thế này thì không biết đến bao giờ mới trả được nợ ngân hàng.
Theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có 26 cơ sở nuôi cá nước lạnh, với tổng diện tích gần 2ha, tập chung phần lớn ở xã Sơn Bình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện còn trên 150 tấn cá đã đến kỳ xuất bán nhưng không có nơi tiêu thụ, giá bán cũng xuống thấp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước tình hình khó khăn của người nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện, các cấp xem xét có chính sách hỗ trợ đối với người nuôi cá nước lạnh, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm cá Tầm, cá Hồi tới các doanh nghiệp, siêu thị, khu trưng bày, buôn bán sản phẩm cá nước lạnh để tạo điều kiện cho các hộ nuôi cá có đầu ra cho sản phẩm, tiến hành rà soát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích cá nước lạnh trên địa bàn huyện, đồng thời phát triển theo định hướng vùng quy hoạch của huyện đã đề ra, đặc biệt người dân không nên mở rộng quy mô theo kiểu tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Có như vậy, nghề nuôi cá nước lạnh của huyện mới tiếp tục phát triển và đảm bảo có thị trường tiêu thụ hiệu quả, tránh tình trạng thừa cung, thiếu cầu.
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và cuộc sống của người dân. Đòi hỏi người nuôi cá nước lạnh phải có những thay đổi trong chiến lược sản xuất, kinh doanh để thích nghi với điều kiện vừa phòng chống dịch bệnh vừa sản xuất kinh doanh. Hoàng Cường