Trong nhiều năm qua, cây mía được coi là cây trồng chủ lực của bà con nông dân xã bản Giang, bởi lẽ cây mía đã trở thành một trong những cây trồng mang lại thu nhập ổn định, giúp bà con nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng mía trên địa bàn xã bước vào vụ thu hoạch nhưng không bán được khiến nhiều hộ dân thất thu.
Gia đình anh Lý văn Nún ở bản Nà Cơ trồng mía đã 12 năm nay, bình quân hàng năm anh trồng khoảng 5.000m. Những năm trước mỗi năm từ diện tích mía gia đình anh thu được từ 50 - 60 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Nếu như vào thời điểm này hàng năm gia đình anh đang tất bật thu hoạch mía để bán thì năm nay lượng mía bán ra không đáng là bao. Anh Lý A Nún buồn bã nói: Mọi năm khi không có dịch Covid-19, đến thời điểm này gia đình tôi đã bán được gần hết diện tích mía rồi, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay gia đình tôi mới chỉ bán được 1 xe mía, giá bán thì cũng không chênh lệch nhiều so với năm trước, các thương lái không đến mua nhiều như năm trước. Nếu không tiêu thụ được mía gia đình tôi mất đi một khoản thu nhập đáng kể.
Diện tích mía của gia đình anh Lý A Nún đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn không bán được bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19
Cũng giống như gia đình anh Nún, gia đình anh Châu A Pao ở bản Tẩn Phù Nhiêu mặc dù chỉ trồng hơn 2.000m mía nhưng theo anh Pao cho biêt: Vào thời điểm này, những năm trước gia đình anh bán được khoảng 40 - 50% diện tích mía, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gia đình anh cũng không bán được, anh cho rằng nếu dịch bệnh vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay thì diện tích mía của gia đình anh và bà con trong xã sẽ không biết làm thế nào nữa. Anh Pao nói: Nếu như năm ngoái, thời điểm này bà con nhân dân chúng tôi đã bán được khoảng 30% diện tích, tuy nhiên hiện nay mặc dù có bán được cũng chỉ đạt được khoảng 1% diện tích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái nhiều nơi như Sa Pa, Sìn Hồ, Phong Thổ không đến thu mua mía. Đến nay, tình hình tiêu thụ rất khó khăn, nếu cứ tình trạng như thế này chắc các diện tích mía của nhân dân chúng tôi sẽ còn tồn đọng lâu dài. Theo thống kê, hiện toàn xã Bản Giang có 60 ha diện tích mía, tăng 29 ha so với năm 2020, những diện tích mía được trồng chủ yếu ở các bản như: Tẩn Phù Nhiêu, Nà Cơ, Bản Giang, Suối Thầu… năng xuất bình quân đạt 500 tạ/ha, sản lượng đạt 3.000 tấn, thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Nếu như hàng năm cứ đến thời điểm giáp tết, người trồng mía tranh thủ ra đồng thu hoạch mía, các tuyến đường vào vùng mía xe cộ tấp nập chở mía đi các huyện, thành phố hoặc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì năm nay, tất cả các cánh đồng mía vắng lặng, không có người thu hoạch bởi chẳng bán được cho ai. Hàng nghìn tấn mía trên đồng ruộng vẫn đang chờ được tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Đoàn Văn Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: Những năm trước đây, cây mía đem lại thu nhập khá cao, là cây giảm nghèo của người dân trong xã. Thời điểm đó, người dân cũng đã thực hiện theo khuyến cáo của UBND xã trong trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19, diễn biến khá phức tạp nên việc tiêu thụ mía của người dân gặp rất nhiều khó khăn, qua đánh giá chúng tôi thấy thu nhâp từ mía khá cao nên người dân tự ý chuyển đổi và tăng diện tích không theo khuyến cáo của xã, thứ nữa là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những nguyên nhân khiến cây mía không tiêu thụ được. Có thể nói, cây mía là một trong những cây mang lại nguồn lợi kinh tế, nhiều năm nay giúp người dân xã Bản Giang giảm nghèo bền vững, tuy nhiên việc tiêu thụ mía của người nông dân hiện nay vẫn phó mặc cho thương lái. Do đó, để người dân yên tâm và xác định phát triển không chỉ riêng với cây mía mà còn rất nhiều cây trồng khác, cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tập chung liên doanh, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đúng quy hoạch tránh ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con nông dân.