Triển vọng kinh tế từ trồng dược liệu ở xã Khun Há

Thứ hai - 14/02/2022 23:13 2.867 0
Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung và xã Khun Há nói riêng đã chủ động phát triển các mô hình trồng cây dược liệu. Đến nay, các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn và bảo tồn nguồn giống cây dược liệu quý.
Là huyện miền núi có nhiều diện tích rừng, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu phát triển, việc thu hoạch của người dân cũng mang tính tự phát là chủ yếu nên tình trạng tận thu nguồn lâm phụ sản này khó có thể kiểm soát, dẫn tới cạn kiệt một số loại dược liệu quý trong tự nhiên. Trước nhu cầu của thị trường, từ năm 2016, người dân xã Khun Há đã biết sưu tầm, đưa về trồng và chăm sóc tại vườn nhà bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định.
Gia đình anh Cứ A Su ở bản Lao Chải 2 - xã Khun Há là một trong những hộ dân hiện đang trồng cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa. Theo anh Su cho biết: Trước đây, trên các dãy núi cao có khá nhiều loại cây này nhưng người dân khi đi rừng nếu bị rắn cắn hoặc bị thương chỉ biết lấy lá của cây này đắp vào trị bệnh chứ chưa thấy giá trị kinh tế từ loại cây này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với loại cây này ngày càng lớn, trong khi lượng cây ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, nên anh và một số hộ gia đình trong bản bắt đầu mang về nhân giống để trồng tập trung.  Anh Su chia sẻ: Trước đây ông cha mình chỉ biết loại cây này để chữa một số bệnh như: Rắn cắn, vết thương, từ khi thấy nhiều người hỏi mua loại cây này nên gia đình mình đã đi tìm về trồng và nhân giống để đem lại thu nhập cho gia đình. Hiện nay, thương lái thu mua 1 kg tươi với giá 700 nghìn đồng, còn khô lên tới 1,5 triệu đồng/kg. Hiện gia đình mình đã trồng được vài năm khi đến tuổi thu hoạch mình sẽ bán cho thương lái để thêm một nguồn thu cho gia đình.

 
IMG 0747
Nhân dân bản Lao Chải 2 - xã Khun Há chăm sóc cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa.
         
Ngoài cây Thất diệp nhất chi hoa, trên địa bàn xã Khun Há còn có thêm cây Tam Thất đỏ hay còn được gọi là Sâm Lai Châu, đây là một trong những loại Sâm quý đã được nhiều nhà khoa học chứng minh. Để bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý này, bản Lao Chải 2 đã thành lập nhóm hộ để trồng và nhân giống trên diện tích khoảng vài nghìn m2, Ngoài việc ý thức được giá trị kinh tế từ các giống cây dược liệu này, người dân ở bản Lao Chải 2 còn được Nhà nước hỗ trợ giống để trồng 5.000 m2 cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa, qua hơn 5 năm trồng cho thấy 2 giống cây dược liệu này sinh trưởng và phát triển khá tốt ở độ cao từ 2.500 - 3.000m và đã đem lại thu nhập cao cho một hộ dân ở đây. Từ giá trị kinh tế mang lại, thời gian tới người dân trong bản sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.
Anh Giàng A Lừ - Trưởng bản Lao Chải 2, xã Khun Há nói: Trước đây cây Thất Diệp Nhất Chi Hoa và Sâm Lai Châu có khá nhiều ở các vùng núi của xã Khun Há, nhưng do không biết giá trị nên các thế hệ trước chỉ biết khai thác mà không biết trồng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay do biết được giá trị của các loại cây này, chúng tôi đã thành lập nhóm hộ để trồng các loại cây này vừa mang lại nguồn thu cho nhân dân vừa bảo tồn được giống dược liệu quý của địa phương. Những năm tiếp theo chúng tôi sẽ nhân giống để mở rộng thêm diện tích.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chuyên môn huyện, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có trên 1.640 ha cây dược liệu gồm: Thất diệp nhất chi hoa, Sâm Lai Châu, Tam Thất, Sa nhân, Đương quy, Thảo quả…Tuy nhiên đối với các loại dược liệu quý như: Thất diệp nhất chi hoa, Sâm Lai Châu và Tam Thất mới chỉ có vài xã như: Khun Há, Giang Ma, Hồ Thầu, Sơn Bình được bà con nhân dân đưa vào trồng trên diện tích khoảng 1 ha... Để phát triển cây dược liệu nhất là các loại dược liệu quý trên địa bàn, hằng năm các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh, huyện cũng đã khuyến khích người dân trồng và mở rộng các loại cây dược liệu để từng bước hình thành vùng sản xuất tập chung nâng cao thu nhập cho bà con.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Địa bàn huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho các loại cây dược liệu phát triển như: Sâm Lai Châu, Lan Kim Tuyến, Thất diệp nhất chi hoa, Nấm Linh chi đỏ… Tuy nhiên, người dân vẫn khai thác tự do để bán ra thị trường mà chưa có các giải pháp bảo tồn, duy trì và phát triển. Trong mấy năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân ngày một nâng lên, ở một số địa phương ngần dân đã biết thu gom hạt giống, cây nhỏ quy tập về trồng thành từng điểm, từng vùng tập chung. Thông qua một số chương trình, dự án, đề tài về khoa học công nghệ cũng đã hỗ trợ, thúc đẩy dần hình thành các vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn, trước mắt 2 giống cây dược liệu chính là Sâm Lai Châu và Thất Diệp Nhất Chi Hoa, chính từ ý thức của nhân dân trong việc trồng dược liệu tập chung sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.
Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và ý thức của người dân trong việc nhân giống, trồng các loại cây dược liệu trên địa bàn trong thời gian qua đã  góp phần vừa bảo tồn nguồn giống cây dược liệu quý, từng bước hình thành vùng dược liệu và tăng thu nhập cho người dân.
Hoàng Cường

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down