Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Tam Đường tích cực triển khai, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày một phát triển.
Chanh leo Tam Đường là sản phẩm Ocop được liên kết giữa Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Beefoods và các hộ nông dân. Hiện công ty thực hiện trồng 42ha chanh leo với 140 hộ tham gia. Để quả chanh leo đạt chất lượng, Công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra vườn trồng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển… Nhờ đó, sản phẩm chanh leo Tam Đường đạt năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được Công ty bao tiêu sản phẩm, đã góp phần mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.
Anh Phan Văn Giang - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Beefoods cho biết: “Về quy trình kĩ thuật của cây chanh leo hiện nay đang xen lẫn vô cơ và hữu cơ, chúng tôi dần chuyển sang hữu cơ để đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cây chanh leo là một loại cây khá mới so với các loại cây trồng khác, đặc biệt chanh leo đòi hòi sự chăm sóc cầu kì, tỉ mỉ hơn, quy trình kĩ thuật khắt khe hơn. Công ty tiến hành thu mua vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần; đơn giá cụ thể tùy từng thời điểm của thị trường và tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm. Nhờ việc thu mua đều đặn, giá cả ổn định, mà nhiều hộ trồng chanh leo có thu nhập cao.
Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu đợt 2 năm 2021, diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, huyện Tam Đường có 4 sản phẩm tham gia dự đánh giá, phân hạng và cả 4 sản phẩm đều đạt OCOP 3 sao. Trong đó, sản phẩm chẳm chéo Lực Lệ của Hộ kinh doanh Mùng Thị Lệ tại bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường được đánh giá cao bởi mẫu mã đẹp, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chẳm chéo được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau như: Ớt, Mắc khén, lá chanh, Hạt dổi… mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, Giáy ở vùng Tây Bắc.
Chị Mùng Thị Lệ - bản Sân Bay, Thị trấn Tam Đường chia sẻ: Sản phẩm chẳm chéo của gia đình tôi gồm có 3 loại: chẳm chéo thường, đặc biệt, chẳm chéo ướt. Chẳm chéo được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau, Chẳm chéo được dùng để làm gia vị, ướp các món nướng, tạo nên những món ăn ngon, hấp dẫn. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất ra thị trường từ 6.000 - 7.000 hộp chẳm chéo, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon. Khi đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm chẳm chéo của gia đình được nhiều người biết đến, giúp cho gia đình tôi mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập”. Cán bộ Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Beefoods kiểm tra vườn chanh leo của người dân tại thị trấn Tam Đường.
Trong thời gian qua, để phát triển sản phẩm OCOP, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thông qua các cuộc họp, hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế khi tham gia Chương trình. Chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, các xã, thị trấn; hướng dẫn phát triển ý tưởng sáng tạo sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất. Cùng với đó, nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm OCOP, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ tục thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của huyện được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, lượng tiêu thụ tăng đáng kể.
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đặc biệt, năm 2021, là năm khởi sắc của sản phẩm OCOP, trong năm huyện có 8 sản phẩm OCOP, đó là: cá hồi phi lê; cá tầm cắt khúc của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn, xã Sơn Bình; mật ong hoa tự nhiên Tam Đường - HTX Ong Vàng, xã Bản Hon; trà Cổ thụ Putaleng - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường); sản phẩm Chẳm chéo Lực Lệ - Hộ kinh doanh Teo Văn Lực, thị trấn Tam Đường; sản phẩm quả chuối tươi xuất khẩu - HTX nông nghiệp xanh Tam Đường, xã Bình Lư; quả chanh leo Tam Đường - Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Beefoods, thị trấn Tam Đường, bộ bàn ghế mây Bản Giang - HTX mây tre đan Bản Giang
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đạt hiệu quả cao, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của chương trình. Đồng thời phối hợp đơn vị tư vấn, các chủ thể chuẩn bị sản phẩm, hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận. Thông qua đó, các sản phẩm đã được nhiều khách trên thị trường toàn quốc biết đến, mức tiêu thụ tăng từ 10 - 20%, giá trị thương mại từng bước được nâng lên.
Với việc lựa chọn những sản phẩm đặc trưng gắn với thế mạnh của địa phương, tin tưởng rằng Tam Đường sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Trọng Hoản