Người phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi

Thứ hai - 07/03/2016 02:51 957 0
Những năm qua, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Tam Đường đã có nhiều biến chuyển tích cực. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất kinh tế giỏi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH tại địa phương. Trong đó, chị Chảo Thị Say dân tộc Mông sinh năm 1976, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Chu Va 8 - xã Sơn Bình là một trong những điển hình như vậy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đến khi lập gia đình tại một xã còn rất nhiều khó khăn, chị Say luôn trăn trở để phát triển kinh tế gia đình. Phấn đấu thoát nghèo, bên cạnh sự tư vấn, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các ban, ngành, đoàn thể, gia đình chị đã quyết định phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, gia đình chị tích cực, chăm chỉ canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ ngô trên diện tích gần 3 ha ruộng bậc thang, chăn nuôi lợn, gia cầm, trồng khoảng 5 ha thảo quả, nuôi hơn chục con trâu bò cùng gần chục ha đất rừng. Nhận thấy lợi thế từ nguồn nước dồi dào tại địa phương thích hợp cho việc nuôi cá gia đình chị đã đào thêm 500 m2 ao để thả cá. Theo chị Say cho biết: với gần 3 ha ruộng gieo trồng ngô và lúa mỗi năm cho thu hoạch được 7,5 tấn, số lương thực này gia đình chị chủ yếu để chăn nuôi lợn và gia cầm. Đặc biệt, tuy là người dân tộc Mông nhưng đến gia đình chị hệ thống chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch khang trang, sạch sẽ, trong chuồng lúc nào cũng có đến hơn 30 con lợn lớn nhỏ và được nuôi gối luân phiên nên bình quân mỗi năm gia đình chị xuất chuồng trên 2 tấn lợn thương phẩm, ngoài ra chị còn chăn nuôi thêm khoảng 50 - 60 con gia cầm các loại để phục vụ đời sống. Bên cạnh đó, trên diện tích 5 ha thảo quả mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả khô và chục con trâu, bò các loại…



 
Chị Say đang chăm sóc đàn lợn của gia đình.
 
          Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao, sắm sửa được nhiều phương tiện để phục vụ cho lao động sản xuất, đồng thời cho con cái được ăn học đầy đủ. Hàng năm, bình quân thu nhập từ các hoạt động kinh tế của gia đình chị đạt trên 270 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi chị Chảo Thị Say nói: Trước đây khi lấy chồng, hai vợ chồng mình ra ở riêng khó khăn nhiều lắm. Nhìn thấy bà con người Kinh làm kinh tế giỏi thế, mình nghĩ tại sao người Kinh làm được mà người Mông mình không làm được, qua nhiều lần đi học hỏi kinh nghiệm rồi nhờ nhiều lần vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng chính sách, gia đình mình quyết tâm phát triển kinh tế, đến nay sau hơn chục năm mình đã trả nợ được hết ngân hàng và cũng có một chút vốn để làm ăn phát triển.


 
Chị Say đang cho đàn gia cầm của gia đình ăn.
 
          Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Say còn là một hội viên rất tích cực, nhiệt tình trong các phong trào của Chi hội, Hội Phụ nữ xã và các phong trào tại địa phương. Với chị em hội viên phụ nữ trong bản, chị luôn nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia đầy đủ, tích cực các phong trào hoạt động do các cấp Hội phát động. Đó là lời nhận xét của chị Trần Thị Lượt - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sơn Bình về chị Say.
          Với sự nỗ lực, cần cù trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp tích cực của chị với những phong trào tại địa phương, chị Say luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con trong bản và là một trong những tấm gương sáng của dân tộc Mông về sự nỗ lực cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.

Tác giả: Hoàng Cường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down