Tam Đường nỗ lực vận động học sinh vùng khó tựu trường

Thứ ba - 31/08/2021 02:55 477 0
Những năm qua, chế độ cho học sinh bán trú là động lực, món quà ý nghĩa để nâng bước các em học sinh vùng khó trên địa bàn huyện Tam Đường đến trường. Nhưng khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, một số xã không còn được hưởng chế độ dành cho học sinh bán trú. Đó là “thách thức” trong việc duy trì “sĩ số” của các trường vùng khó trên địa bàn huyện Tam Đường.
Anh Chu A Su, trú tại bản Ma Seo Phìn thấp, xã Khun Há, sinh năm 1986, nhưng đã có tới 9 người con, hiện chỉ còn 7 cháu đi học, trong đó 2 cháu đang học mầm non, 2 cháu học tiểu học và 3 cháu học THCS... Đông con và nguồn thu nhập chính của gia đình là từ nông nghiệp, nên nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn. Không có tiền cho con đi học, nên năm học này, trong tổng số 3 cháu đang học cấp THCS, gia đình dự định cho cháu lớp 6 nghỉ học ở nhà. Chia sẻ về lí do quyết định không cho con tiếp tục theo học, anh Su, nói: “Ngày trước con cái đi học còn được hỗ trợ của nhà nước, nay bị cắt chế độ, nhà đông con quá không đủ tiền lo cho mấy đứa đi học. Cho nên năm nay tôi quyết định cho cháu lớp 6 ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương”.
Cũng như gia đình anh Chu, năm học này, gia đình chị Chư Thị Sùng, bản Ma Seo Phìn Thấp, xã Khun Há cũng dự định cho em Ma A Lâu, học sinh lớp 9 nghỉ học, với lý do, gia đình không có tiền để tiếp tục cho con đi học. Được biết, gia đình chị có 4 người con, nhưng hiện chỉ còn 3 cháu đang tiếp tục đi học, chia sẻ về vấn đề này, chị Sùng, cho hay: “Nếu như nhà nước không có hỗ trợ tiền ăn bán trú, thì năm nay gia đình tôi sẽ cho cháu nghỉ học, bởi gia đình khó khăn quá, không có tiền cho con đi học”.
Còn đối với em Ma A Lâu, năm nay chuẩn bị bước vào lớp 9 của trường THCS Khun Há, con đường tới trường vốn đã gian nan thì nay lại càng xa và gian truân hơn, vì em đang đứng trước nguy cơ sẽ phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Em Lâu buồn rầu, chia sẻ: “Em rất buồn khi biết được thông tin bố mẹ không cho đi học nữa, em rất muốn tới trường nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn bố mẹ không đủ tiền cho em ăn ở tại trường”.

 
VDKH
Các thầy, cô giáo trường THCS xã Khun Há đến tận hộ gia đình tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Bản Ma Seo Phìn Thấp, xã Khun Há có 104 hộ dân với 630 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo thống kê, hiện nay, bản có 69 em học sinh đang  theo học tại trường THCS. Tuy nhiên, qua rà soát, thì năm học này có tới 21 em học sinh có dự định nghỉ học, do không có tiền cho con ăn ở bán trú. Theo kế hoạch, trường THCS Khun Há dự định sẽ đón 511 học sinh trong năm học 2021-2022. Tuy nhiên, qua vận động thì có ít nhất 30 học sinh có ý định bỏ học do điều kiện kinh tế gia đình.
Cho biết thêm về những khó khăn của nhà trường trong việc huy động học sinh ra lớp trong năm học này khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Khun Há nói: “Trường chúng tôi còn nhiều em học sinh kinh tế gia đình khó khăn, do đó khi các em không được hưởng chế độ bán trú việc huy động các em học sinh ra lớp là một vấn đề khó khăn với nhà trường. Trước những khó khăn đó, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động đến từng phụ huynh học sinh có con em bị ảnh hưởng bởi chế độ bán trú; thực hiện công tác xã hội hóa qua việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng như các thầy, cô giáo cùng chung tay giúp đỡ các em học sinh còn khó khăn để các em tiếp tục có điều kiện đến trường”.
Được biết xã Khun Há, huyện Tam Đường hiện có 14 bản, với 954 hộ, 5.421 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tháng 4 năm 2021 xã về đích NTM, đồng nghĩa các em học sinh sẽ không còn được hưởng chế độ hỗ trợ ăn bán trú. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động học sinh đến trường của địa phương này. Ông Vàng Páo Ly-Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: Việc xây dựng mô hình bán trú là một điều kiện rất thuận lợi cho các cháu đặc biệt là ở xã vùng cao như Khun Há, vì các cháu ngoài ăn còn ở tại nhà trường. Thế nên, nếu không còn chế độ, chính sách hỗ trợ thì việc triển khai còn nhiều khó khăn vì đa phần đời sống của người dân ở đây còn rất vất vả. Trước mắt, xã cũng đang thống kê, khảo sát để tham mưu cho huyện và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường bán trú trên địa bàn. Xa hơn, việc xã hội hóa cũng cần được bàn tới để phụ huynh sẽ cùng chung tay với nhà trường thực hiện bán trú nhằm mục đích ổn định và nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường”.
Năm 2021, huyện Tam Đường có 2 xã Khun Há và Thèn Sin về đích NTM. Điều đó, đồng nghĩa 2 xã này sẽ được công nhận là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III. Khi thôi hưởng chế độ, đặc biệt là đối với các em học sinh bán trú sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và việc huy động học sinh ra lớp của các nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đang là thời điểm các trường gấp rút chuẩn bị cho năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Việc vận động học sinh đến trường vốn dĩ đã là “bài toán khó” đối với huyện Tam Đường nay càng trở nên khó khăn hơn khi mà các chế độ cho học sinh bán trú không còn.
Cầm Thanh

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Công khai: Tài chính, tuyển dụng, bổ nhiệm,...
Thông báo
Mời họp
Chương trình công tác
Cổng TTĐT tỉnh
Quản lý văn bản và điều hành
Sapa
Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Lai Châu
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay48,442
  • Tháng hiện tại186,335
  • Tháng trước1,171,907
  • Tổng lượt truy cập24,378,874
Covid-19
Dụ thảo chính trị
Cổng dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống một cửa điện tử
Bộ thủ tục hành chính tại huyện Tam Đường
Công khai ngân sách
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down